Hóa đơn điện tử dưới góc nhìn cơ quan quản lý và doanh nghiệp

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Lợi ích của hoá đơn điện tử” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 1/12, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã có những chia sẻ về việc triển khai hóa đơn điện tử thực tế trong thời gian qua. Trong đó có những quy định liên quan đến hóa đơn điện tử tại các văn bản pháp luật về thuế mới ban hành; phân tích điểm khác và nổi bật so với các quy định trước đây; lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp,…

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ngày 17/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Để thực hiện theo quy định của Luật, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 thực hiện tại 57 tỉnh, thành phố còn lại. Hiện giai đoạn 1 đã chính thức được triển khai từ tháng 11 và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân và doanh nghiệp.

Để chính sách quản lý hóa đơn điện tử được hoàn thiện như hôm nay, ngành Thuế đã trải qua thời gian khá dài để hoàn thiện các quy định liên quan, cũng như đưa hóa đơn điện tử vào áp dụng trong thực tế.

Việc đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử của ngành Thuế hiện nay cũng phù hợp với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc…

Đối với Tổng cục Thuế, việc đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống chính là một trong những điểm nhấn quan trọng của quá trình chuyển đổi số ngành Thuế hiện nay.

Chia sẻ thông tin với bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết sau 10 ngày kể từ ngày kích hoạt hệ thống áp dụng HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp đăng ký áp dụng HĐĐT theo Nghị định 123, Thông tư 78 và đã có khoảng 60.000 hóa đơn có mã của cơ quan thuế đã được lập.

“Bước đầu kết quả là rất khả quan, mặc dù có một số vướng mắc trong giai đoạn đầu liên quan đường truyền, giải pháp phần mềm tuy nhiên cả cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp, tổ chức kết nối đều đã thường xuyên nâng cấp ứng dụng, giải đáp thường xuyên thắc mắc cho doanh nghiệp đảm bảo việc lập hóa đơn điện tử để gửi đến cơ quan thuế để cấp mã diễn ra nhanh chóng”, ông Huy nói.

Ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), đến nay Tổng cục Thuế đã đăng tải công khai thông tin của 40 tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Tiêu chí tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử cũng đã được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 78 ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính quy định về tiêu chí tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung trong việc ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số và điều này đã đáp ứng đúng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Đối với lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử, ông Tuấn cho rằng: Lợi ích thấy rõ nhất là sẽ tránh tình trạng gian lận, mua bán hóa đơn, tránh việc sử dụng hóa đơn bất hợp phát, giúp tiết kiệm chi phí phát hành lưu giữ cũng như công tác có liên quan như hoàn thuế. Với các công ty bán lẻ hay các tổ chức giao dịch nhiều cái nhỏ thì ứng dụng hóa đơn rất thuận tiện cho việc quản trị, tiết kiệm chi phí và giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn.

“Về tổng thể nó tạo chuyển động quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hi vọng các cơ quan khác cũng đồng hành xu hướng này để việc áp dụng hoá đơn điện tử thuận lợi, tránh sau này gặp trục trặc thực tế”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Phùng Huy Tâm – Giám đốc Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm

Với vai trò vừa là DN, vừa là nhà cung cấp giải pháp, thực tế, ông Phùng Huy Tâm – Giám đốc Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm chia sẻ, bản thân DN cũng đã quan tâm hóa đơn điện tử ngay từ thời kỳ đầu nên đã thấy được rất nhiều lợi ích. Rõ ràng lợi ích của hóa đơn điện tử là giúp DN thực hiện không khoảng cách… từ đó giúp DN có lợi thế về mặt chi phí. Một điểm nữa là thay đổi trải nghiệm của khách hàng và sự an tâm của người nộp thuế.

Ông Tâm cho rằng, điều cốt lõi là DN được tham gia vào thời đại số hóa thời gian thực. Nhờ đó DN có thông tin về sức khỏe của các DN khác, đặc biệt là DN kỳ vọng cũng có thời gian thực về mặt vốn nữa. Ngoài ra, có trải nghiệm của khách hàng về tích cực và tiêu cực để từ đó tiết giảm tiêu cực và tăng tiêu cực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *